Uống Quá Nhiều Nước Có Bị Sao Không? 7 Dấu Hiệu Cho Thấy Bạn “Thừa” Nước

Uống đủ nước là tốt, nhưng uống thừa nước thì có sao không? Bài viết này sẽ cùng bạn tìm hiểu vấn đề này cũng như những dấu hiệu cho thấy cơ thể bạn đang thừa nước.

Uống quá nhiều nước, bên cạnh việc khiến bạn đi vệ sinh thường xuyên, thì trong một số trường hợp hiếm hoi có thể gây bệnh nặng, thậm chí tử vong. Theo Austin DeRosa, MD, bác sĩ tiết niệu của Trung tâm Ung thư UCHealth ở Highlands Ranch, Colorado, có một trường hợp được gọi là nhiễm độc nước. Khi lâm vào tình trạng này, lượng Natri và các chất điện giải khác trong máu của bạn hạ thấp dưới mức bình thường khiến cơ thể co giật, hôn mê, hoặc thậm chí tử vong.

Thật may mắn, có nhiều dấu hiệu giúp bạn nhận ra cơ thể đang uống quá nhiều nước. Cùng khám phá xem đó là những dấu hiệu nào nhé!

Màu của nước tiểu giống màu nước lọc
Nếu lượng nước bạn uống đang vừa đủ với cơ thể, nước tiểu của bạn sẽ có màu vàng rơm đến vàng nhẹ. Đừng lầm tưởng nước tiểu màu trong suốt là dấu hiệu tốt bạn nhé, tiến sĩ Jennifer Caudle (bác sĩ y học gia đình Trường Y học Xương khớp Đại học Rowan ở New Jersey) cho biết nếu nước tiểu của bạn trong suốt chứng tỏ bạn đang uống quá nhiều nước.

Gặp tình trạng rỉ nước do bàng quang hoạt động quá mức

Bàng quang trung bình có thể chứa 500-800ml chất lỏng trước khi cần thải ra ngoài — nhưng, Tiến sĩ DeRosa chia sẻ, không nên để bàng quang bị căng quá mức.

Nhiều người uống nước quá nhiều khiến đi tiểu nhiều lần, do vậy họ có xu hướng “nhịn” lâu hơn, điều này có thể khiến rỉ nước tiểu dù rất nhỏ. Lưu ý, nếu bạn phải đi tiểu thường xuyên hơn hai giờ một lần hoặc thức dậy nhiều hơn một lần để đi tiểu vào ban đêm, bàng quang của bạn có thể đang hoạt động quá mức bình thường. Hãy điều chỉnh lại lượng nước uống ngay.

Bàn chân, bàn tay và môi bị sưng hoặc đổi màu
Tiến sĩ Caudle cho biết trong nhiều trường hợp hạ natri máu, mọi người sẽ bị sưng tấy hoặc đổi màu đáng kể ở bàn tay, môi và bàn chân. Khi tất cả các tế bào trên khắp cơ thể sưng lên, da của bạn cũng sẽ bắt đầu sưng lên rõ rệt.

Những người uống quá nhiều nước có thể tăng cân đột ngột do sưng tấy và thừa nước trong máu. Nếu bạn đang uống hơn 10 cốc nước mỗi ngày và nhận thấy bàn tay, môi và bàn chân bị sưng tấy hoặc đổi màu, hãy xem xét cắt giảm lượng nước uống vào và xem liệu các triệu chứng của bạn có giảm bớt hay không.

Cơ bắp yếu đi và dễ bị chuột rút
Khi bạn uống quá nhiều nước, mức điện giải của bạn giảm xuống. Mức điện giải thấp có thể gây ra một số triệu chứng khó chịu, bao gồm co thắt cơ và chuột rút.

Bạn có thể ngăn ngừa các vấn đề về cơ bằng cách thay thế một vài cốc nước lọc mỗi ngày bằng nước dừa, loại nước 100% tự nhiên chứa đầy chất điện giải. Đây là một số loại nước dừa bạn nên dùng.

Bạn mất cảm giác muốn đi tiểu
Nghe có vẻ vô lý nhưng hoàn toàn có thật! Kiểm soát việc đi tiểu là một kỹ năng có thể học được, đó cùng là lý do tại sao chúng ta “tập ngồi bô” cho trẻ khi còn nhỏ. Tuy nhiên, nếu bạn liên tục làm đầy bàng quang do uống quá nhiều hoặc nhịn tiểu quá lâu, bạn có thể “đào thải” kỹ năng đó, Tiến sĩ DeRosa nói. Điều này có thể khiến bạn khó cảm thấy khi nào mình cần đi tiểu hoặc có thể khiến bạn cảm thấy muốn đi tiểu ngay cả khi không có nhu cầu.

Bạn uống nước ngay cả khi không khát
Cách tốt nhất để biết liệu cơ thể bạn có thực sự cần thêm nước hay không là để ý xem có thể có thực sự cảm thấy khát hay không, hay bạn đang uống nước khi không thực sự khát? Thói quen uống nước đều đặn là rất tốt, nhưng bạn cần nghiêm túc chú ý cảm giác của cơ thể khi cầm ly nước lên:

  • Lúc đó bạn đang khát hay không?
  • Cơ thể lúc đó có mệt hay đói không?

Cơ thể chúng ta rất thông minh, chúng luôn phản ứng có điều kiện, quan trọng là bạn phải lắng nghe cơ thể mình.

Close up cropped head of female in silk dressing gown pouring liquid from pitcher into glass in kitchen

Bạn đi tiểu thường xuyên, kể cả ban đêm
Tiến sĩ DeRosa nói, “Trung bình, một người sẽ đi tiểu từ 6 đến 10 lần mỗi ngày, vì vậy nếu bạn thấy mình đi tiểu nhiều hơn 10 lần một ngày, bạn có thể đang uống nhiều nước hơn mức cơ thể cần”. Ông cho biết thêm, nếu thức dậy nhiều hơn một lần trong đêm để đi tiểu thì có thể bạn đang gặp tình trạng thừa nước.

Có rất nhiều nguyên nhân tiềm ẩn khác gây ra tình trạng đi tiểu thường xuyên, ví dụ như bàng quang hoạt động quá mức hoặc nạp quá nhiều caffeine. Vì vậy, nếu lượng nước tiêu thụ của bạn nằm trong mức bình thường nhưng bạn vẫn đi tiểu hàng giờ, thì bạn cần đến bác sĩ để chắc chắn về sức khỏe của mình. Lưu ý thêm, đi tiểu thường xuyên cũng có thể là một dấu hiệu của bệnh đái tháo nhạt.

Uống lượng nước như thế nào là đủ cho cơ thể?

Thông thường, hầu hết những người khỏe mạnh đều cần bổ sung khoảng 6 đến 8 cốc nước (tương đương khoảng 1.5 – 2 lít) mỗi ngày. Đối với nam giới hoặc người hoạt động thể chất thường xuyên thì con số có thể cao hơn, đối tượng này thường cần bổ sung khoảng 2.7 – 3.7 lít nước mỗi ngày.

Ngoài ra, với những người mắc một số bệnh về tuyến giáp hoặc các vấn đề liên quan đến thận, gan hoặc tim sẽ khiến cơ thể hấp thụ nhiều nước hơn. Bên cạnh đó, trong trường hợp bạn đang dùng thuốc như thuốc chống viêm không steroid (NSAID), thuốc giảm đau opioids hay một số loại thuốc chống trầm cảm thì cơ thể cũng đang giữ nước nhiều hơn.

Do đó, với từng người sẽ có một lượng nước đủ nhất định, dựa vào: Cân nặng, chiều cao, độ tuổi, tình trạng sức khỏe, tình trạng vận động. Để biết chính xác nên uống bao nhiêu nước mỗi ngày, hãy tìm đến sự tư vấn của bác sĩ bạn nhé.

Nguồn tin: The Healthy & Hellobacsi